Tin tức ngành

Tiềm năng của lợi khuẩn Lactobacillus rhamnosus (GG)  với bệnh dị ứng đạm sữa bò ở trẻ em

Dị ứng thực phẩm (FA) là một mối lo ngại lớn đối với sức khỏe của trẻ em sơ sinh. Dị ứng thực phẩm có tỷ lệ mắc cao ở trẻ em đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bởi hệ miễn dịch và đường ruột của trẻ lúc này còn non yếu. Khi cho trẻ tiếp xúc với thực phẩm mới có tính dị nguyên cao thì phản ứng của trẻ dễ phát triển thành dị ứng. Nhiều nghiên cứu cho rằng khả miễn dịch liên quan đến hệ vi sinh đường ruột do vậy sự thay đổi thành phần của hệ vi sinh đường ruột có thể dẫn đến phản ứng miễn dịch toàn thân và tiềm năng của lợi khuẩn Lactobacillus rhamnosus (GG) với bệnh dị ứng đạm sữa bò ở trẻ em.

Dị ứng đạm sữa bò là gì?

Dị ứng thực phẩm (FA) là một vấn đề sức khỏe lớn của trẻ em đặc biệt là trẻ em các nước phương Tây, nơi mà một số bằng chứng cho thấy tỷ lệ dị ứng ở trẻ em tăng lên trong những năm gần đây. Gần 8% trẻ em ở Hoa Kỳ có ít nhất một lần bị dị ứng thực phẩm. Bất kỳ một loại thực phẩm nào cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng, tuy nhiên các nhà khoa học đã chỉ ra được một số thực phẩm dễ gây phản ứng dị ứng ở trẻ sơ sinh bao gồm: Sữa bò, trứng gà, đậu nành, lúa mì, cá, đậu phộng,…Trong đó dị ứng đạm sữa bò (CMPA) là phổ biến nhất với tỷ lệ ước tính là 2-3% ở trẻ sơ sinh. Phần lớn trẻ em sẽ lấy lại được khả năng dung nạp đạm sữa bò trong vòng 5 năm đầu đời. Hiện tại phương pháp điều trị hiệu quả nhất đó chính là loại bỏ CMPA khỏi chế độ ăn của trẻ.

Dị ứng đạm sữa bò là một tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Mối quan hệ giữa hệ vi sinh đường ruột và bệnh dị ứng đạm sữa bò

Hệ vi sinh vật đường ruột được chứng minh đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập khả năng chịu đựng các kháng nguyên thực phẩm. Sự khác biệt về số lượng và loài vi sinh vật đã được quan sát giữa những người bị dị ứng và những người khỏe mạnh. Dữ liệu dịch tễ học cho thấy trẻ bị dị ứng có lượng Clostridia cao hơn và lượng Bifidobacteria thấp hơn. Tuy nhiên, Bifidobacteria và Lactobacillus được tìm thấy phổ biến hơn trong đường ruột của những đứa trẻ không bị dị ứng. Sự hiện diện tăng cường của các loại lợi khuẩn này trong đường ruột dường như tương quan với khả năng bảo vệ chống dị ứng.

Những thay đổi đối với hệ vi sinh đường ruột ở những người bị dị ứng thông qua việc bổ sung probiotic hoặc prebiotic đã được đề xuất là một phương pháp để điều trị hoặc ngăn ngừa các bệnh dị ứng thức ăn ở trẻ em. Trong các loại probiotic, lợi khuẩn Lactobacillus rhamnosus GG (LGG) có tiềm năng lớn giúp bảo vệ trẻ em sơ sinh khỏi chứng dị ứng thực phẩm.

Lactobacillus rhamnosus (GG) là gì?

Lactobacillus rhamnosus (GG) là một chủng vi khuẩn thuộc loài  Lactobacillus rhamnosus. Có khoảng 250 thử nghiệm lâm sàng về  Lactobacillus rhamnosus (GG), trong đó có 40 thử nghiệm ở trẻ em. Theo Clinicaltrials.gov, đây là chủng lợi khuẩn được nghiên cứu nhiều nhất trên toàn thế giới.

Lactobacillus rhamnosus (GG)  đã được chứng minh có khả năng sống sót trong ruột ngay cả khi sử dụng liều lượng thấp hơn 100 triệu CFU.  Lactobacillus rhamnosus (GG)  đã được thử nghiệm rộng rãi trên hàng nghìn người từ trẻ sinh non đến người già trong suốt 30 năm qua và được chứng minh tính an toàn tuyệt vời (Capurso, 2019). Chủng lợi khuẩn này đã được sử dụng rộng rãi trong các chất bổ sung men vi sinh và được dung nạp cực kỳ tốt với rất ít tác dụng phụ xảy ra.

Lactobacillus rhamnosus GG là một lợi khuẩn có ích cho hệ tiêu hóa

Tiềm năng của lợi khuẩn Lactobacillus rhamnosus (GG) đối với bệnh dị ứng sữa bò ở trẻ em.

Dị ứng đạm sữa bò (CMPA) là một trong những dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ em, cụ thể là có khoảng 2-7,5% trẻ sơ sinh dưới một tuổi bị dị ứng đạm sữa bò. Thông thường, trẻ uống sữa công thức bị dị ứng đạm sữa bò có thể sử dụng sữa bò thủy phân hoàn toàn (EHF) hoặc sữa công thức acid amin. Đối với trẻ bú sữa mẹ bị dị ứng đạm sữa bò thì mẹ cần phải loại bỏ hoàn toàn sữa bò khỏi chế độ ăn của mình để tránh nguy cơ trẻ bị dị ứng.

Có rất nhiều nghiên cứu về  lợi khuẩn Lactobacillus rhamnosus (GG) đối với bệnh dị ứng đạm sữa bò ở trẻ em. Nghiên cứu mới đây năm 2020,  Lactobacillus rhamnosus (GG) giúp giảm đáng kể tình trạng khó tiêu, chướng bụng, tiêu chảy, nôn mửa ở trẻ em bị CMPA. L.  rhamnosus  GG cũng đã được đánh giá trong các nghiên cứu khác và cho thấy cải thiện đáng kể các triệu chứng tiêu hóa liên quan đến CMPA (Baldassarre và cộng sự , 2010; Guest và Fuller, 2019). Ngoài ra, một nghiên cứu cũng cho thấy nồng độ calprotectin trong phân giảm đáng kể khi bổ sung L.  rhamnosus (Baldassarre và cộng sự , 2010).

Cũng như cải thiện triệu chứng, bổ sung L. rhamnosus GG đã được chứng minh cải thiện tỷ lệ dung nạp đạm sữa bò.  Nghiên cứu đánh giá ở 256 trẻ em sơ sinh bị mắc CMPA. Nhóm 1 gồm 55 trẻ sử dụng sữa công thức thủy phân hoàn toàn. Nhóm 2 gồm 71 trẻ sử dụng sữa công thức thủy phân hoàn toàn kết hợp với lợi khuẩn L.  rhamnosus GG. Nhóm 3 gồm 46 trẻ sử dụng sữa gạo thủy phân. Nhóm 4 gồm 55 trẻ sử dụng sữa đậu nành. Nhóm 5 gồm 33 trẻ sử dụng sữa công thức acid amin. Sau một năm, thử nghiệm thử thách thực phẩm lại được tiến hành để đánh giá khả năng dung nạp đạm sữa bò của trẻ. (biểu đồ1)

Biểu đồ 1: Tỷ lệ dung nạp sữa bò sau 1 năm của 5 nhóm trẻ em

Dung nạp cao nhất được ghi nhận ở nhóm 2 với 78,9% trẻ em tăng khả năng dung nạp sữa bò sau 1 năm. Kết quả này chứng minh rõ ràng hiệu quả khi bổ sung lợi khuẩn Lactobacillus rhamnosus (GG). Lactobacillus rhamnosus GG được xem là chủng lợi khuẩn lý tưởng với các nghiên cứu lâm sàng uy tín giúp trẻ dị ứng đạm sữa bò đạt được dung nạp miễn dịch tốt hơn. Đặc biệt khi bổ sung  L. rhamnosus GG vào công thức đạm thủy phân toàn phần sẽ giúp trẻ dị ứng sữa bò dung nạp sớm hơn, trẻ có thể ăn lại sữa bò và các chế phẩm từ sữa sớm hơn công thức thủy phân toàn phần thông thường.

Tin bài khác