Probiotic là các chủng vi khuẩn sống mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, đặc biệt là đối với phụ nữ. Một số lợi ích sức khỏe tiềm năng bao gồm: Hỗ trợ tiêu hóa, sức khỏe âm đạo, chức năng miễn dịch, làn da,…Cùng khám phá sâu hơn từng lợi ích của probiotic với sức khỏe phụ nữ trong bài viết dưới đây:
Probiotic là gì?
Probiotic là những vi sinh vật sống khi đưa vào cơ thể với số lượng đủ sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Trong cơ thể con người tồn tại cả vi sinh vật tốt và vi sinh vật xấu. Thông thường chúng luôn được duy trì ở trạng thái cân bằng giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Tuy nhiên hại khuẩn luôn tìm cách xâm nhập vào cơ thể thông qua môi trường, thức ăn, nước uống và các chất ô nhiễm hàng ngày. Khi hại khuẩn sinh sôi quá mức, hệ vi sinh trong cơ thể bị mất cân bằng khiến cơ thể không thể hoạt động ở mức tối ưu. Điều này có thể dẫn tới các vấn đề về tiêu hóa, miễn dịch, làn da và nội tiết tố.
Bổ sung các chủng lợi khuẩn phù hợp sẽ giúp ngăn chặn hại khuẩn, đưa cơ thể về trạng thái cân bằng. Lợi khuẩn được bổ sung thông qua thực phẩm và đồ uống lên men như sữa chua, kim chi, dưa cải bắp, kombucha,…Ngoài thực phẩm chứa men vi sinh, có thể bổ sung lợi khuẩn qua các chế phẩm sinh học.
10 Lợi ích của probiotic đối với sức khỏe phụ nữ
1. Hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa
Probiotic giúp hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa bằng cách khôi phục và duy trì sự cân bằng của vi khuẩn có lợi trong ruột. Hệ vi sinh vật đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng, đồng thời sự mất cân bằng trong hệ vi sinh vật đường ruột có liên quan đến các rối loạn tiêu hóa khác nhau như bệnh viêm ruột (IBD) và hội chứng ruột kích thích (IBS).
2. Ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là bệnh nhiễm trùng thường gặp ở phụ nữ. Theo thống kế có khoảng 50-60% phụ nữ sẽ bị nhiễm trùng đường tiết niệu ít nhất một lần trong đời.
Chúng thường do một loại vi khuẩn có tên là E.coli gây ra dẫn đến tiểu buốt, tiểu rắt và thậm chí là tiểu ra máu. Bệnh UTI thường được điều trị bằng kháng sinh, nhưng có nguy cơ tái phát cao.
Sử dụng men vi sinh có chứa Lactobacillus giúp khôi phục hệ vi sinh âm đạo và đưa chúng về trạng thái cân bằng, ngăn ngừa sự phát triển quá mức của các vi khuẩn có hại như E.coli. Một nghiên cứu cho thấy chế phẩm sinh học có chứa Lactobacillus Crisatus giúp giảm 50% nguy cơ nhiễm trùng tiểu tái phát ở phụ nữ.
3. Probiotic giúp tăng cường hệ thống miễn dịch
Tiến sĩ O’Connor nói: “Phần lớn hệ thống miễn dịch của chúng ta thực sự tồn tại trong niêm mạc ruột và nhận thông tin từ các loại vi khuẩn và các sinh vật sống trong ruột”
Probiotic có thể tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách tăng cường sản xuất kháng thể và hoạt động của các tế bào miễn dịch như tế bào tiêu diệt tự nhiên, tế bào T và tế bào B. Probiotic cũng có thể giúp giảm viêm và stress oxy hóa, có liên quan đến chức năng miễn dịch bị suy yếu.
4. Cải thiện sức khỏe âm đạo
Probiotic có thể giúp ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng âm đạo bằng cách khôi phục và duy trì sự cân bằng của vi khuẩn có lợi trong âm đạo. Các loài Lactobacillus là vi khuẩn chiếm ưu thế trong âm đạo và việc giảm số lượng của chúng có liên quan đến nhiễm trùng âm đạo như viêm âm đạo do vi khuẩn (BV) và nhiễm trùng nấm men.
5. Kiểm soát hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một chứng rối loạn nội tiết tố ảnh hưởng đến nhiều phụ nữ. Probiotic có thể giúp kiểm soát PCOS bằng cách giảm tình trạng kháng insulin, viêm và stress oxy hóa, đây đều là những yếu tố góp phần vào sự phát triển và tiến triển của PCOS.
6. Probiotic giúp giảm cân ở phụ nữ
Một số loại lợi khuẩn có thể là tác nhân chống lại mỡ bụng. Nghiên cứu cho thấy lợi ích của việc bổ sung men vi sinh hoặc ăn thực phẩm giàu men vi sinh để giúp giảm cân, đặc biệt là giảm mỡ bụng.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Nestlé cho thấy tác dụng có lợi của men vi sinh đối với việc giảm cân ở phụ nữ. Trong vòng 3 tháng thử nghiệm, những người dùng probiotics có giảm cân nhiều hơn 50% so với những người dùng giả dược.
7. Probiotic giúp giảm triệu chứng viêm
Probiotic có thể giúp giảm viêm trong cơ thể bằng cách điều chỉnh hệ thống miễn dịch và hệ vi sinh vật đường ruột. Viêm mãn tính có liên quan đến một số bệnh mãn tính như viêm khớp, tiểu đường và bệnh tim.
8. Giúp kiểm soát lo lắng và trầm cảm
Probiotic có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm các triệu chứng lo âu và trầm cảm bằng cách điều chỉnh trục ruột – não. Hệ vi sinh vật đường ruột giao tiếp với não thông qua nhiều con đường khác nhau như dây thần kinh phế vị và hệ thống miễn dịch.Sự mất cân bằng trong hệ vi sinh vật đường ruột có liên quan đến rối loạn tâm trạng.
9. Có thể cải thiện sức khỏe làn da
Probiotic có thể giúp cải thiện sức khỏe làn da bằng cách giảm viêm và cải thiện chức năng hàng rào bảo vệ da. Một nghiên cứu cho thấy chế phẩm sinh học có chứa Lactobacillus rhamnosus đã cải thiện các triệu chứng viêm da dị ứng ở trẻ em.
10. Hỗ trợ mang thai và cho con bú
Probiotic có thể giúp hỗ trợ mang thai và cho con bú khỏe mạnh bằng cách giảm nguy cơ nhiễm trùng và hỗ trợ chức năng miễn dịch. Probiotic cũng có thể giúp giảm nguy cơ sinh non và trầm cảm sau sinh.